Ẩm Thực Âu Á

Cách làm bún chả Hà Nội ngon chuẩn vị để mở quán kinh doanh

cach-lam-bun-cha-ha-noi

Bún chả Hà Nội là món ăn đặc sản nức tiếng gần xa của đất Hà thành, được người dân khắp cả nước cũng như du khách nước ngoài đều yêu thích. Trong chuyên mục ẩm thực Á Âu chúng tôi xin giới thiệu về món bún chả. Để giữ chân được khách hàng cũng như thu hút được du khách thập phương, cần chế biến món bún chả thơm ngon mang hương vị truyền thống đậm đà. Nếu đang có ý tưởng mở quán bún chả, hãy cùng Thiên Bình tham khảo ngay cách làm bún chả Hà Nội ngon chuẩn vị trong bài viết dưới đây!  

Nguyên liệu làm bún chả Hà Nội ngon

Các nguyên liệu chính

Cách làm bún chả Hà Nội theo công thức truyền thống sẽ cần chuẩn bị các nguyên liệu sau đây:

  • Bún rối sợi nhỏ

  • Thịt ba chỉ và thịt nạc vai (công thức dưới đây sẽ dùng 500g mỗi loại, nếu muốn làm khối lượng lớn chỉ cần nhân lên theo đúng tỉ lệ) 

  • Đu đủ xanh, cà rốt, hành tím, tỏi, ớt, rau sống ăn kèm (xà lách, mùi ta, húng láng, tía tô, kinh giới, giá đỗ) 

  • Gia vị: nước mắm ngon, giấm, đường, tiêu xay, dầu hào, nước hàng (nước màu), bột ngọt (mì chính), dầu ăn, mật ong, tinh dầu cà cuống (nếu có).

nguyen-lieu-lam-bun-cha

Các nguyên liệu chính để làm nên món bún chả Hà Nội truyền thống thơm ngon

Kinh nghiệm khi chọn mua nguyên liệu

Nguyên liệu làm bún chả đều là những nguyên liệu quen thuộc, rất dễ tìm mua. Tuy nhiên, sự kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn nguyên liệu đôi khi lại chính là bí quyết đảm bảo hương vị thơm ngon cũng như chất lượng của món ăn.

Nên lựa chọn nguyên liệu tươi mới, rau quả sạch, gia vị có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thịt ba chỉ chọn miếng có tỉ lệ nạc- mỡ cân bằng nhau, có màu hồng tươi hoặc đỏ nhạt. Thịt nạc vai chọn miếng ngon, có cả chút mỡ để khi xay làm chả viên không bị khô. Thịt phải có độ săn chắc và đàn hồi khi ấn vào, không bị chảy nước hay nhớt.

Đu đủ chọn những quả to và xanh, cầm chắc tay, loại có ít hạt và thịt dày, cuống quả còn chảy nhựa để đảm bảo độ tươi giòn, không bị mềm nhũn khi cho vào nước chấm. Rau sống ăn kèm chọn loại tươi, không bị dập nát, nên tìm mua húng láng- loại rau thơm đặc sản để món bún chả dậy vị truyền thống. 

Cách làm bún chả hà nội ngon chuẩn vị

Để làm ra món bún chả thơm ngon mang đậm phong vị truyền thống, bạn có thể làm theo hướng dẫn dưới đây:

1. Sơ chế các nguyên liệu 

  • Thịt ba chỉ rửa sạch, thái miếng mỏng ngang thớ, bản to. Nên lọc bỏ da để thịt nướng xong không bị cứng và khi nướng thịt không bị cháy khét. Thịt vai rửa sạch, xay một lần bằng máy xay thịt, không xay quá nhuyễn.

  • Cà rốt rửa sạch, bào vỏ, tỉa hoa rồi thái miếng mỏng vừa ăn. Đu đủ xanh bào vỏ, cắt thành miếng nhỏ rồi ngâm vào nước muối loãng cho ra hết nhựa rồi mới thái thành miếng mỏng vừa ăn. Tiếp đó, trộn đu đủ và cà rốt đã thái với một ít muối trong vòng 15 phút, sau đó rửa sạch lại với nước cho bớt mặn. Tiếp tục trộn đu đủ và cà rốt với đường, dấm, muối, tỏi, ớt và một ít nước cốt chanh cho thơm, sau đó để ngâm khoảng 15 phút, nếm có đủ vị chua ngọt vừa ăn là được.

  • Các loại rau sống nhặt bỏ lá úa, rửa thật sạch, ngâm trong nước muối loãng rồi vẩy cho ráo nước. 

  • Hành, tỏi xay, ớt xay hoặc băm nhuyễn. 

so-che-rau-cu-an-kem-bun-cha

Sơ chế cà rốt đu đủ xanh ăn kèm bún chả

Xem thêm tủ trưng bày rau củ – thiết bị bảo quản rau củ quả tươi ngon trước khi chế biến

2. Cách ướp thịt nướng bún chả

Đây là một trong những công đoạn quan trọng nhất làm nên hương vị đặc trưng của món bún chả Hà Nội. Nước sốt để ướp cho 500g thịt ba chỉ làm chả miếng và 500g nạc vai làm chả viên bao gồm: nước mắm ngon (3 muỗng), dầu hào (2 muỗng), mật ong (1 muỗng), đường (1 muỗng), nước hàng (2 muỗng), tiêu xay (1 muỗng), bột ngọt (1 muỗng), hành tím băm (5-6 củ), tỏi băm (4-6 tép). Nếu làm khối lượng chả lớn, chỉ cần nhân khối lượng các gia vị theo tỉ lệ như trên là được. 

Trộn đều các gia vị vào 1 tô lớn, sau đó chia đôi để ướp riêng cho phần thịt miếng và thịt băm. Riêng phần thịt xay để làm chả viên thì cho thêm 1 muỗng dầu ăn để miếng chả khi nướng mềm mọng hơn, không bị khô. Nên ướp thịt ít nhất 2- 3 tiếng trước khi nướng để thịt ngấm gia vị. Nếu có thời gian nên bọc kín thịt rồi cho vào tủ lạnh để qua đêm sẽ càng đậm vị hơn.

3. Nướng thịt

Thịt sau khi đã ướp thì xếp dàn đều trên vỉ nướng. Đối với phần thịt băm thì nặn thành từng viên nhỏ như quả quất rồi ấn dẹt sau đó xếp lên vỉ nướng. 

Đối với cách làm bún chả Hà Nội truyền thống, thịt sẽ được nướng trên than hoa, vừa nướng vừa quạt than và trở đều 2 mặt thịt tới khi chín vàng đều, thơm dậy vị và có màu sắc vàng ruộm ngon mắt. Tuy nhiên, cách nướng này tốn nhiều thời gian, sinh ra nhiều khói bụi và khá vất vả, nhất là vào mùa hè nắng nóng. 

Để nướng thịt số lượng lớn một lần, tiết kiệm thời gian và công sức, các quán hiện nay thường sử dụng các loại bếp nướng than hoa ngoài trời, vừa tiện dụng lại năng suất cao. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại lò nướng thịt chuyên dụng giúp nướng được số lượng thịt lớn mỗi mẻ, vừa giúp tiết kiệm công sức, thịt lại chín vàng đều, thơm ngon hơn mà không bị nhiễm nhiều khói bụi. 

thanh-pham-cha-nuong

Chả nướng thành phẩm có màu đẹp mắt lại mềm mọng, vừa vị

Tham khảo:

– Lò nướng salamander – các loại lò nướng thịt giúp món bún chả ngon hơn

– Bếp nướng gas công nghiệp – bếp nướng gas dùng cho nướng thịt số lượng lớn

4. Công thức pha nước chấm bún chả 

Nước chấm thường được coi là linh hồn của món ăn. Cách làm bún chả Hà Nội ngon yêu cầu nước chấm phải vừa vị, sao cho khi kết hợp với bún, chả và rau sống sẽ làm món ăn thêm dậy vị, thơm ngon. Bạn có thể pha nước chấm bún chả theo công thức riêng của mình sao cho vừa khẩu vị nhất, đảm bảo có đủ vị mặn- ngọt- chua (vị mặn vừa phải, chua ít để người ăn có thể vắt thêm quất cho dậy vị). Ớt để riêng, cho vào sau tùy độ ăn cay của người thưởng thức. 

Có thể tham khảo tỉ lệ pha nước chấm bún chả gồm nước lọc: mắm: đường: giấm là 3:1:1:1. Đun sôi nhẹ nước chấm vài phút rồi tắt bếp và giữ ấm đợi dùng. 

5. Thành phẩm và trình bày 

Một dĩa bún chả chuẩn vị yêu cầu miếng thịt nướng phải có màu sắc vàng đẹp, thơm ngon vừa vị, chín vừa tầm mà không bị cháy xém hay khô cứng; chả viên vàng ruộm bên ngoài nhưng bên trong vẫn giữ được độ ẩm mọng, không bị khô. Khi dọn ra ăn cho cả chả miếng và chả viên vào bát tô nhỏ rồi chan nước chấm vẫn còn ấm nóng vào, thêm ít tỏi ớt xay theo khẩu vị và 1 giọt tinh dầu cà cuống (nếu có). Bún để riêng ra đĩa, dọn cùng rau sống. Khi ăn cảm giác tất cả thành phần hòa quyện hoàn hảo với nhau trong khoang miệng, hương vị mộc mạc mà tinh túy, ăn một lần là nhớ mãi không quên. 

thanh-pham-bun-cha

Bún chả thành phẩm thơm ngon, hấp dẫn, vừa đẹp mắt lại đậm đà khó quên

Hy vọng cách làm bún chả Hà Nội mà Thiên Bình vừa chia sẻ có thể giúp ích cho những ai đang có ý tưởng mở quán bún chả kinh doanh. Chỉ với những bước đơn giản như trên, bạn đã có thể làm ra món bún chả hấp dẫn, chứa đựng sự tinh túy của ẩm thực Hà thành. Tuy nhiên, nếu muốn đắt khách và có doanh thu cao, bạn cũng cần chú trọng tới những yếu tố như vấn đề vệ sinh thực phẩm, giá cả và chất lượng phục vụ. Chúc bạn sẽ thành công với món ăn truyền thống đặc sắc này! 

Bạn có muốn thiết kế một quán ăn, nhà hàng bán bún chả không? Hãy tìm hiểu ngay cách thiết kế bếp nhà hàng của chúng tôi nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *