Ẩm Thực Âu Á

Cách làm bánh mì Việt Nam giòn xốp ngon bất bại để kinh doanh

Bánh mì Việt Nam

Bánh mì là món ăn đường phố độc đáo của người Việt được vinh danh trong top ẩm thực thế giới. Mặc dù là món ăn quen thuộc được bày bán ở bất kỳ con phố nào nhưng với những biến tấu về nhân bánh để cho ra đủ hương vị chua- cay- mặn- ngọt, bánh mì Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn vô cùng lớn, có thể làm xiêu lòng bất cứ ai kể cả những du khách nước ngoài. Trong chuyên mục Ẩm thực hôm nay, hãy cùng Thiên Bình vào bếp để làm ra món bánh mì Việt Nam giòn xốp, thơm ngon bất bại- công thức chuẩn truyền thống có thể áp dụng sản xuất số lượng bánh lớn để kinh doanh!

Các nguyên liệu làm bánh mì

Điều làm nên sự độc đáo khi thưởng thức những ổ bánh mì Việt chính là hương vị thơm ngon hấp dẫn lại được tạo ra từ những nguyên liệu mộc mạc, gần gũi. Nguyên liệu để làm ra những chiếc bánh mì vô cùng bình thường, giản dị nhưng lại mang đến sự tinh tế, hòa quyện trong hương vị.

Các nguyên liệu chính

Để làm ra chiếc bánh mì chuẩn vị nhất với hương thơm đặc trưng, vỏ bánh mỏng giòn và ruột bánh mềm xốp, cần chuẩn bị 5 nguyên liệu chính là bột mì, men nở, nước, muối và phụ gia. Cần lựa chọn các nguyên liệu kỹ càng và định lượng các thành phần cho vào bột dựa trên khối lượng của bột mì. Cụ thể:

Bột mì: cần lựa chọn loại bột mì có hàm lượng protein >12% để đảm bảo khi nhào bột sẽ có độ đàn hồi tốt và dẻo dai hơn, giúp bánh nở to và phồng đều.

Nước: lượng nước cho vào chiếm khoảng 70% khối lượng bột. Ví dụ, với 300g bột mì thì lượng nước thêm vào là 210g. Nên dùng loại nước sạch có độ cứng vừa phải để tránh các muối trong nước cứng làm khối bột bị cứng và nở kém.

Men nở bánh mì: các tiệm bánh thường sử dụng loại men instant dùng cho bánh mì lạt (men có bao bì đỏ) với tỉ lệ chiếm khoảng 1% khối lượng bột. Nếu dùng 300g bột thì cho 3g men.

Muối: sử dụng lượng muối bằng với khối lượng men nở.

Phụ gia: nên sử dụng các loại phụ gia chuyên dụng cho bánh mì, ví dụ như Ibis 300 nhập từ Pháp với định lượng như hướng dẫn trên bao bì.

Các nguyên liệu chính làm bánh mì
Các nguyên liệu chính làm bánh mì

Một số nguyên liệu khác có thể thêm vào

Một số cách làm bánh mì Việt Nam khác có thể cho thêm các nguyên liệu như đường, trứng hay bơ để làm ra chiếc bánh khác biệt hơn và tất nhiên chi phí cũng cao hơn. Cho đường vào bột có thể rút ngắn thời gian lên men bột và cho màu bánh đẹp nhưng lại làm giảm chất lượng bánh bởi quá trình lên men chậm mới giúp bánh có vị thơm ngon hơn. Cho trứng vào bột thì có thể làm tăng giá trị dinh dưỡng, làm bánh phồng to hơn, màu đẹp và cấu trúc bánh đồng nhất hơn. Tương tự, bơ cũng giúp bánh thơm mềm và có màu đẹp hơn, tuy nhiên bánh mì thường ăn kèm với bơ, sữa đặc hay nhân mặn nên cho bơ thì ăn sẽ mau ngán hơn.

Một số nguyên liệu có thể thêm vào bánh mì
Một số nguyên liệu có thể thêm vào bánh mì

* Mách bạn mẹo: Không nên cho giấm hay chanh vào bột với mục đích làm xốp ruột bánh bởi sẽ làm bột mau chua và giảm hương vị bánh. Ngoài ra, cũng không nên cho cả phụ gia và vitamin C bởi thông thường các loại phụ gia đã có sẵn vitamin C, enzyme và chất nhũ hóa để tăng độ xốp và hương vị cho bánh. Nếu cho thêm vitamin C sẽ thành dư thừa, khiến bánh quá xốp và rỗng ruột, vỏ cũng bị giòn vỡ khi ăn.

Các máy móc dụng cụ cần chuẩn bị

Đối với các lò bánh mì hay tiệm bánh chuyên nghiệp, để đảm bảo chất lượng bánh đồng đều cũng như năng suất đầu ra thì các thiết bị làm bánh chuyên dụng đóng vai trò rất quan trọng. Các thiết bị cần thiết cho quy trình làm bánh mì sẽ bao gồm:

Máy trộn bột: đây là một thiết bị được sử dụng để trộn và nhào bột trong quá trình làm bánh mì, giúp bột, các nguyên liệu được nhào trộn nhanh chóng, hiệu quả hơn mà không tốn nhiều sức lực và thời gian. Các dòng máy trộn bột làm bánh có nhiều loại khác nhau, loại chuyên trộn bột, loại trộn bột đa năng và có nhiều dung tích khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng để lựa chọn máy cho phù hợp. 

Máy chia bột: giúp chia bột thành các phần đều nhau để bánh thành phẩm có kích thước đồng đều, đẹp mắt. Với một dây chuyền sản xuất bánh mì, việc sử dụng máy chia bột không chỉ đảm bảo độ đều và chính xác của khối lượng bột mà còn rút ngắn thời gian và tiết kiệm được nhân công so với quá trình chia bột thủ công. 

Máy se bột: là thiết bị được sử dụng để cán mỏng và cuộn bột lại để tạo hình cho bánh trước khi ủ bột. Quá trình se bột này giúp cho bột dẻo dai, nhuyễn mịn và định hình bánh. Máy se bột giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí nhân công và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tủ ủ bột: tạo môi trường thuận lợi với nhiệt độ và độ ẩm tùy chỉnh để kích bột nở phồng đều. Sử dụng tủ ủ bột sẽ rút ngắn thời gian ủ bột so với ủ ở nhiệt độ thường, nhờ đó có thể nâng cao khả năng sản xuất của dây chuyền.

Lò nướng bánh: giúp nướng bánh chín vàng đều, giòn xốp với khối lượng lớn mỗi mẻ mà không tốn nhiều thời gian công sức. Nướng bánh là giai đoạn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bánh mì, bởi vậy các cửa hàng kinh doanh cần tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn được loại lò nướng bánh có chất lượng tốt mà hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, quá trình sản xuất bánh mì công suất lớn cũng cần một số loại thiết bị bổ trợ như khay bánh, xe đẩy,...

Các máy móc phục vụ quá trình làm bánh mì
Các máy móc phục vụ quá trình làm bánh mì

Hướng dẫn cách làm bánh mì Việt Nam giòn xốp ngon bất bại

Kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, quan trọng nhất vẫn là chất lượng món ăn. Chính vì thế, để giữ chân được nhiều khách hàng thì nhất định đừng bỏ qua cách làm bánh mì kinh doanh dưới đây!

Bước 1: Trộn bột

Cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào cối trộn bột. Lắp càng đánh bột dạng móc câu vào rồi cài đặt tốc độ trộn ở mức thấp trong khoảng 30 phút (cứ 15 phút lại nghỉ 1 lần). Sau đó nâng dần tốc độ trộn lên mức cao và đánh bột trong khoảng 15 phút cho đến khi khối bột nhuyễn mịn, bóng dẻo và có thể kéo màng không đứt là được.

Lưu ý với nhiệt độ phòng khoảng 27- 30 độ C thì nên sử dụng nước lạnh để cho vào bột mì, đảm bảo khối bột khi nhào xong sờ mát tay, có nhiệt độ tâm khoảng 24 độ C để ngăn chặn quá trình lên men sớm và dễ dàng cho việc tạo hình.

Máy trộn bột Koche JL-B20B có dung tích 20l đáp ứng được công suất của các cơ sở sản xuất bánh mì
Máy trộn bột Koche JL-B20B có dung tích 20l đáp ứng được công suất của các cơ sở sản xuất bánh mì

Bước 2: Tạo hình bánh và ủ bột

Sử dụng máy chia bột để chia khối bột đã nhào thành các phần đều nhau. Vê các khối bột nhỏ thành hình tròn, để nghỉ khoảng 20 phút sau đó cán dẹt, gấp 2 mép lại và cuộn tròn tạo hình rồi đem đi ủ.

Với công thức làm bánh này, nên cài đặt tủ ủ bột ở nhiệt độ khoảng trên dưới 30 độ C, độ ẩm khoảng 75- 85%, ủ bột cho tới khi nở gấp rưỡi hoặc gần gấp đôi là được. Nhiệt độ và độ ẩm càng thấp thì thời gian ủ bột càng lâu, tuy nhiên quá trình lên men chậm sẽ giúp bánh có hương vị thơm ngon hơn.

Bột được chia thành từng phần và đem ủ bằng tủ ủ bột
Bột được chia thành từng phần và đem ủ bằng tủ ủ bột

Bước 3: Nướng bánh

Làm nóng lò nướng trước trong vòng 10 phút ở 200 độ C. Khay bánh cũng cần làm nóng sẵn để khi nướng bánh vỏ sẽ mỏng và giòn hơn. Trong thời gian này, sử dụng lưỡi dao mỏng sắc có bôi chút dầu ăn rạch một đường ngắn vừa phải dọc theo chiều dài bánh.

Cài đặt mức nhiệt độ và độ ẩm cao, dao động trong mức 220- 230 độ C để đảm bảo bánh nở phồng đều, không bị bết ruột, vỏ bánh mỏng giòn. Nướng được 10 phút thì mở lò ra xịt nước vào bánh, sau đó cứ 3 phút xịt một lần, nên xịt nước nhiều hơn vào vết rạch. Nướng bánh khoảng 20 phút là bánh chín. Lật bánh lại 1 lượt và nướng trong 5 phút nữa ở mức nhiệt thấp hơn để bánh vàng đều 2 mặt.

Tham khảo ngay top 30+ sản phẩm lò nướng bánh được đánh giá cao và ưu chuộng sử dụng trong các tiệm bánh hiện nay

Xếp bánh lên khay, xịt nước khắp đều mặt bánh rồi cho vào lò nướng
Xếp bánh lên khay, xịt nước khắp đều mặt bánh rồi cho vào lò nướng

Kết luận:

Như vậy, không khó để làm được những chiếc bánh mì Việt Nam. Từ những nguyên liệu dễ kiếm như bột mì, men, muối, chúng ta có thể làm ra được chiếc bánh mì ngon giòn, hấp dẫn chỉ qua một vài bước đơn giản. Tuy nhiên, để có thể sản xuất được số lượng lớn bánh mì, người thợ làm bánh cần có sự hỗ trợ từ các thiết bị, máy móc làm bánh để đẩy nhanh quy trình, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Với những thông tin về cách làm bánh mì Việt Nam để kinh doanh trên đây, Thiên Bình hy vọng đã cung cấp kiến thức cho mọi người và góp phần vào sự thành công của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *