Nồi nấu bếp ga bị đen là một tình trạng khá phổ biến, gây ra nhiều phiền toái và sự khó chịu cho người sử dụng. Nhiều xoong nồi sau một thời gian nấu trên bếp ga bị bám muội than giống như khi nấu bằng bếp than, bếp củi truyền thống,… làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của dụng cụ làm bếp. Vậy đâu là nguyên nhân và cách xử lý bếp ga bị đen nồi như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân nồi nấu bếp ga bị đen
Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến việc nồi nấu bếp ga bị đen, bao gồm:
Nồi không được vệ sinh sạch sẽ
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng nồi nấu bếp ga bị đen đáy nồi chính là do thói quen vệ sinh nồi không sạch sẽ sau mỗi lần nấu nướng. Nếu đáy nồi và thành nồi không được làm sạch, váng dầu mỡ, vụn thức ăn có thể còn bám dính trên đó thì khi đặt lên bếp, ngọn lửa từ bếp gas sẽ đốt cháy lớp váng này và tạo nên cặn đen.
Sử dụng loại ga kém chất lượng
Có những trường hợp bạn không may mua hay thay phải bình gas kém chất lượng, trong gas chứa nhiều tạp chất sẽ gây ra hiện tượng ga cháy không hoàn toàn, dẫn đến việc sinh ra muội than bám vào đáy nồi làm đen.
Lửa ga màu đỏ
Trong quá trình đun nấu lượng không khí cung cấp cho bếp không đủ khiến chu trình đốt không làm cháy hoàn toàn khí ga dẫn đến lửa ga bị đỏ. Điều này không chỉ khiến đáy nồi bị đen mà còn gây tiêu tốn ga nhiều hơn. Đồng thời còn gây hại cho sức khỏe con người do trong quá trình nấu lửa ga đỏ có thể tạo ra khí carbon monoxide (CO), đây là một khí độc có thể gây nguy hiểm nếu tích tụ trong không gian kín.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến lửa ga bị đỏ cũng có thể là do bình gas của bạn sắp hết. Để kiểm tra, bạn hãy lắc nhẹ bình gas, nếu thấy bình nhẹ hơn thì có thể bình gas đã gần hết, lúc này hiện tượng bếp gas đỏ lửa là bình thường.
Đầu đốt của bếp bị kẹt
Đầu đốt là một trong các bộ phận quan trọng để tạo ra lửa, phục vụ cho việc đun nấu. Tuy nhiên nó dễ bị tắc nghẽn bởi dầu mỡ hoặc vụn thức ăn rơi xuống trong quá trình nấu hay thức bị ăn trào. Việc này làm cho đầu đốt tạo ra ngọn lửa yếu hơn và sinh ra lửa đỏ, dẫn đến đáy nồi bị đen khi nấu.
Các cách xử lý bếp ga bị đen nồi
Khi bạn đã xác định được nguyên nhân dẫn đến vấn đề này thì cách xử lý bếp ga bị đen nồi cũng dễ dàng hơn rất nhiều, cụ thể:
- Tạo thói quen vệ sinh nồi chảo sạch sẽ: Nồi chảo cần được làm sạch từ trong ra ngoài sau khi đun nấu để đảm bảo an toàn sạch sẽ và tránh hiện tượng bị cháy đen do bám dính thức ăn, dầu mỡ. Đồng thời bạn cũng nên lựa chọn những loại nồi có chất lượng tốt để sử dụng. Lưu ý lựa chọn nồi có lớp chống dính chất lượng cao, chất liệu tốt để giúp giảm nguy cơ nồi bị đen. Những bộ nồi nấu làm từ sứ, gang, inox hay nồi có lớp chống dính, chống bám mỡ sẽ dễ dàng làm sạch hơn.
- Sử dụng loại ga chất lượng tốt: Bạn nên chọn mua ga của những thương hiệu nổi tiếng và quen thuộc với người tiêu dùng như gas Petrolimex, Shell gas, Total gas, Hồng Hà gas, Hà Nội Petro,… Và nên tìm hiểu, lựa chọn những nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng và an toàn.
- Điều chỉnh van gió: Hầu hết các loại bếp ga đều được trang bị bộ phận van gió nhằm đưa không khí vào cho quá trình đốt cháy khí gas giúp ga cháy hoàn toàn. Nếu van gió bị lệch, bạn cần chỉnh lại van chắn gió bằng cách xoay van gió từ từ cho đến khi ngọn lửa chuyển sang màu xanh như mong muốn thì dừng lại.
- Thường xuyên vệ sinh bếp ga: Việc vệ sinh bếp ga thường xuyên không chỉ giúp ngăn ngừa tình trạng đen nồi mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao thêm tuổi thọ cho thiết bị. Bạn cần tháo rời các bộ phận như kiềng bếp, đầu đốt dùng bàn chải và nước sạch để vệ sinh các bộ phận này. Lưu ý làm sạch các khe thoát lửa bằng tăm hoặc vật có đầu nhọn để loại bỏ các mảng bám gây bít tắc.
Lời kết
Hy vọng rằng với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm ra nguyên nhân, để có cách xử lý bếp ga bị đen nồi nhanh chóng cũng như hạn chế được tình trạng nồi nấu bếp ga bị đen. Nếu bạn còn có thắc mắc nào hay cần hỗ trợ thêm hãy liên hệ cho chúng tôi để được giải đáp chi tiết nhé!