Máy làm đá lạnh có kết cấu không quá phức tạp, tuy nhiên nó lại được tạo nên từ nhiều chi tiết khác nhau. Mỗi một chi tiết giữ một vai trò nhất định giúp máy có thể hoạt động ổn định đem lại năng suất chất lượng cao. Trong bài viết này kỹ thuật viên của Thiên Bình sẽ giới thiệu đến bạn các 10 loại linh kiện máy làm đá quan trọng, chỉ cần thiếu một trong những bộ phận sau đây thì máy sẽ không thể hoạt động được. Hãy theo dõi hết bài viết để nắm được thêm nhiều kiến thức về dòng máy này nhé!
1. Máy bơm nước
Tuỳ theo từng nhà sản xuất mà máy bơm nước được lắp rời bên ngoài hay tích hợp trực tiếp bên trong máy làm đá. Máy bơm nước có chức năng chính là hút đưa nước xuống bộ chia nước và khay làm đá.
2. Phao nước
Phao cấp nước của máy làm đá lạnh có 2 loại: phao cơ học (máy làm đá vừa và nhỏ) và phao điện từ (máy làm đá công nghiệp). Chức năng chính của phao cấp nước là kiểm soát và cảm biến mức nước trong bể, để có thể dừng bơm hoặc bật chế độ bơm nước. Có thể nói thiết bị này là tiền đề để máy bơm nước vận hành hiệu quả, êm ái giúp máy làm đá luôn có lượng nước ổn định để phục vụ chu trình làm đá xuyên suốt.
Phao nước máy làm đá
3. Bộ lọc nước
Máy làm đá lạnh trang bị bộ lọc nước thô, bộ lọc thô gồm 2 phần: vỏ và lõi lọc, được lắp nối giữa đường nước nguồn của đơn vị và đường ống cấp nước của máy làm đá. Khi máy vận hành, nguồn nước cấp sẽ được lọc tại đây để loại bỏ cặn bẩn, tạp chất trước khi dẫn vào thiết bị để thực hiện chu trình làm đá. Nhờ có bộ lọc này mà đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước cho máy làm đá từ đó giúp nâng cao chất lượng thành phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ vậy việc lọc sạch nước còn ngăn chặn cho thiết bị của bạn tránh khỏi sự bám cặn, tích tụ chất bẩn trong đường ống làm ảnh hưởng tới thời gian sản xuất, năng suất, chất lượng đá.
Bộ lọc nước của máy làm đá
4. Bảng điều khiển
Bảng điều khiển của máy làm đá lạnh là bộ phận cho phép người dùng có thể điều khiển và kiểm soát toàn bộ quá trình hoạt động của thiết bị, thường được lắp đặt ở phía trước hay mặt bên thân máy để thuận tiện cho thao tác. Bảng mạch này bao gồm nút nguồn, đèn báo, nút bấm chế độ và màn hình điện tử (hiển thị thông số, quy trình vận hành, báo lỗi trong quá trình làm đá).
Bảng điều khiển được ví như bộ não, cho phép người dùng có thể sử dụng máy làm đá dễ dàng, hiệu quả.
>>> Xem ngay 1 số lỗi máy làm đá bạn có thể gặp phải và cách khắc phục chúng.
5. Khay làm đá
Đối với các dòng máy làm đá viên thì khay làm đá là một linh kiện quan trọng quyết định hình khối của viên đá. Khay làm đá thường được làm bằng chất liệu inox chống ăn mòn, chống oxi hoá tốt nên dù tiếp xúc thường xuyên với nước vẫn giữ được độ bền cao.
Khay làm đá có nhiều loại hình thù và kích thước đa dạng như hình bán nguyệt, hình ngôi sao, hình trái tim, hình đầu đạn, hình trụ, hình lập phương (21x21x14mm, 22x22x22mm, 25x25x23mm, 28x28x32mm, 48x48x58mm,…). Tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng mà người dùng có thể lựa chọn loại đá thích hợp.
Khi máy làm đá hoạt động, máy bơm nước sẽ dẫn nguồn nước sạch và trong khay làm đá. Thông qua hệ thống tiết lưu, nước sẽ được làm lạnh đến một mức nhiệt nhất định, lúc này quá trình làm đá sẽ diễn ra, khi đá đạt đủ độ dày máy sẽ kết thúc quá trình làm đông là kích hoạt quy trình thu hoạch đá.
Khay làm đá
6. Cảm biến
Do máy làm đá lạnh vận hành hoàn toàn tự động khép kín mà không cần đến sự can thiệp của con người nên cảm biến là loại linh kiện không thể thiếu. Cảm biến là bộ phận giúp giám sát các hoạt động của máy làm đá và đảm bảo rằng máy hoạt động đúng cách và an toàn, ngăn chặn các sự cố nghiêm trọng gây hư hỏng thiết bị như quá nhiệt, làm việc quá tải,… Trong một chiếc máy làm đá sẽ được lắp đặt nhiều loại cảm biến khác nhau, mỗi loại sẽ đảm nhận chức năng riêng biệt.
Cảm biến nhiệt
Loại linh kiện này có chức năng chính là đo và kiểm soát nhiệt độ trong quá trình làm đá nhằm đảm bảo rằng máy hoạt động ở mức nhiệt độ phù hợp giúp tạo ra thành phẩm đá chất lượng đạt chuẩn.
Máy làm đá sử dụng 2 loại cảm biến nhiệt: cho dàn nóng và cho dàn lạnh.
Cảm biến nhiệt dàn nóng: khi nhiệt độ của dàn nóng tăng cao, cảm biến sẽ truyền tín hiệu để đóng mạch cho quạt gió chạy giải bớt nhiệt cho dàn nóng, nhờ vậy mà máy có thể hoạt động ổn định và kéo dài được tuổi thọ cho dàn nóng.
Cảm biến nhiệt dàn lạnh: giúp theo dõi nhiệt độ và đảm bảo dàn lạnh có mức nhiệt thích hợp để sản xuất đá, đá thành phẩm đạt đủ độ già.
Cảm biến nước
Cảm biến nước thường sử dụng cho các dòng máy làm đá có công suất nhỏ dưới 100kg đá, chúng được lắp đặt phía trên máng nước. Khi phát hiện mực nước cấp cho máy vượt quá mức cho phép, đầu cảm biến sẽ phát tín hiệu tối bảng điều khiển và lúc này máy sẽ ngừng cấp nước lên dàn máy.
Do tính chất hoạt động tiếp xúc liên tục với nước nên khó tránh khỏi cảm biến bị giảm độ nhạy bén, đặc biệt là khi nguồn nước bị nhiễm bẩn, vì vậy người dùng cần thay thế để đảm bảo máy làm đá không bị lỗi.
Cảm biến đá
Cảm biến đá hay còn gọi là sensor xả đá. Cảm biến đá sẽ bao gồm 2 loại:
Sensor báo hiệu xong một chu trình sản xuất đá: Cảm biến này sẽ truyền tín hiệu xác nhận đã hoàn thành quy trình sản xuất đá để máy tiếp tục vận hành sản xuất mẻ đá tiếp theo. Cụ thể, sau khi đá đã đạt đủ độ già máy tiến hành xả trực tiếp đá thành phẩm xuống thùng chứa xong, lúc này cảm biến đá sẽ báo hiệu để máy vận hành quy trình làm đá mới.
Sensor báo hiệu đá viên đầy thùng: khi thùng chứa đá đầy, cảm biến sẽ tự động truyền tín hiệu về bo mạch dẫn nhiệt, báo tình trạng đá đầy để máy ngừng quá trình sản xuất đá.
7. Block làm lạnh
Block làm lạnh (máy nén) là bộ phận quan trọng quyết định hoạt chính của máy làm đá và các thiết bị lạnh nói chung. Tùy vào công suất của máy mà máy nén sẽ có kích thước tương ứng để đảm bảo hoạt động.
Nhiệm vụ chính của nó là hút ga (môi chất lạnh) từ dàn lạnh để nén liên tục ở áp suất cao, nhằm chuyển môi chất từ thể khí sang thể lỏng. Sau đó, môi chất lạnh ở dạng lỏng sẽ đi qua van tiết lưu chuyển áp suất từ cao xuống thấp rồi đi vào dàn lạnh để trao đổi nhiệt với nước khiến nước từ thể lỏng chuyển hoá thành đông đặc để tạo đá.
8. Quạt tản nhiệt
Quạt tản nhiệt là một linh kiện quan trọng không thể thiếu đối với các dòng máy làm đá sử dụng kiểu làm mát cho động cơ bằng gió. Quạt vận hành hoàn toàn tự động nhờ vào cơ chế cảm biến nhiệt độ và hệ thống tụ quạt. Bộ phận này giúp đảm bảo cho dàn nóng không bị quá nhiệt khi vận hành liên tục trong thời gian dài nhờ vậy mà máy làm đá có thể hoạt động trơn tru. Đồng thời còn giúp nâng cao tuổi thọ cho máy và tiết kiệm chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện cho người sử dụng.
Block làm lạnh và quạt tản nhiệt
9. Van tiết lưu
Van tiết lưu làm từ hợp kim cao cấp cho độ bền dài lâu, có cấu tạo từ 4 bộ phận chính: thân van, màng van, kim điều chỉnh và bộ cảm ứng nhiệt. Van được lắp đặt tại các đầu nối, điểm tiếp giáp trong hệ thống máy làm đá. Nó nắm giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết lưu lượng và áp suất của môi chất lạnh (gas) phù hợp khi đi vào dàn lạnh.
10. Khoang chứa đá
Đối với các dòng máy làm đá lạnh có công suất nhỏ thì khoang chứa đá sẽ được thiết kế tích hợp trực tiếp bên trong máy. Với các dòng máy có công suất lớn thì khoang chứa đá lắp đặt bên dưới – chính là thùng chứa đá. Nơi này là điểm đến của đá lạnh sau khi kết thúc quá trình làm đá.
Khoang chứa đá được làm dày dặn với lớp foam cách nhiệt vừa cho khả năng lưu trữ, bảo quản giữ cho đá không bị tan chảy trong thời gian dài vừa chống đổ mồ hôi, đọng sương lớp ngoài đảm bảo vệ sinh, an toàn cho quá trình sử dụng.
Thùng chứa đá
Lời kết
Hy vọng với những thông tin về các loại linh kiện máy làm đá quan trọng mà chúng tôi tổng hợp trên đây sẽ giúp bạn có thêm được nhiều kiến thức và có thể dễ dàng vận hành máy làm đá đúng kỹ thuật. Mỗi một linh kiện đều giữ chức năng quan trọng của thiết bị trong quá trình hoạt động, nếu một trong các bộ phận này bị hư hỏng thì máy không thể vận hành trơn tru được. Vì vậy trong quá trình sử dụng thiết bị bạn cần kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hiệu suất hoạt động của máy cũng như phát hiện sửa chữa kịp thời các lỗi hỏng hóc.